Bộ GTVT đang chỉ đạo các bên liên quan hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn triển khai giai đoạn 2 dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu trong giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh minh họa
Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 1 Dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hoàn thành và khai thác từ tháng 4/2017 cho tàu trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tuy nhiên, do chưa thực hiện giai đoạn 2 nên hiệu quả tổng thể của dự án chưa được phát huy tối đa, ảnh hưởng đến quá trình khai thác liên tục của luồng tàu. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ thu hút được các tàu có trọng tải đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông thường xuyên trên tuyến luồng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua hàng năm.
“Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 của dự án và nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm thực hiện giai đoạn 2 nhằm đảm bảo tính đồng bộ của dự án”, Bộ GTVT cho hay.
Trước đó, cử tri TP Cần Thơ gửi văn bản đề xuất Bộ GTVT có giải pháp đầu tư hoàn thiện dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) để phát huy hiệu quả khai thác cảng Cái Cui, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL.
Bộ GTVT nhận định, giai đoạn 2 dự án luồng tàu biển vào sông Hậu được hoàn thành sẽ thu hút được các tàu trọng tải đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL - Ảnh minh họa
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu thu hút, nâng cao năng lực thông qua hàng hóa tại khu vực ĐBSCL.
Dự án được triển khai thi công từ năm 2009. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án đã phải dừng giãn tiến độ cho đến đầu năm 2014 được Quốc hội thông qua và tái khởi động.
Dự án gồm các hạng mục: luồng tàu (dài hơn 46km, trong đó đoạn sông Hậu dài 12,1 km; đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài 19,2 km; đoạn kênh Tắt dài 8,2 km đào mới thông ra biển và đoạn kênh biển dài 7 km); hạng mục bảo vệ bờ; kè bảo vệ bờ (tổng chiều dài gần 36km); đường bộ dân sinh dài 5km dọc bờ Nam kênh Tắt; khu nước tránh tàu và các công trình khác.
Tổng mức đầu tư của dự án là gần 9.800 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2014-2016), số vốn đã bố trí cho dự án là 6.100 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục đầu tư: Nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ từ Km0+650 - Km8+175; nạo vét luồng biển và xây dựng công trình bảo vệ bờ; xây đê chắn sóng phía Nam; xây dựng bến phà kênh Tắt; nạo vét kênh Quan Chánh Bố và luồng sông Hậu; bố trí hệ thống phao tiêu, báo hiệu.
Các hạng mục còn lại chưa thực hiện như: kè xung yếu bảo vệ khu vực bờ Nam ngã ba sông Hậu và dọc kênh Quan Chánh Bố; tuyến đường bộ dân sinh dọc bờ Nam kênh Tắt và các hạng mục phụ trợ khác.